Ngoài ra, ông cũng đánh giá Nghị định 10 sẽ giúp vực dậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi Nhà nước sẽ chứng nhận quyền sở hữu công trình đối với người mua. Động thái này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đính cũng cho rằng các cơ quan chưa có các biện pháp tháo gỡ cụ thể để giải quyết những vướng mắc về mặt chính sách của doanh nghiệp. Điều này khiến cho nguồn cung của thị trường vẫn chưa lớn bằng mọi năm.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), trong quý I/2023, nguồn cung mới mở bán ở các khu vực nhìn chung đều khan hiếm, chủ yếu đến từ các giỏ hàng cũ.
Cụ thể, thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng) chỉ có khoảng 500 sản phẩm, giảm 92% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt 15%.
Tương tự, TP.HCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An) có nguồn cung mới đạt 2.000 sản phẩm, giảm 67% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ ghi nhận ở mức 20%.
“Hiện nay nhiều môi giới viên vẫn không có hàng để bán. Nhà nước cần tháo gỡ các vướng mắc về chính sách để các dự án được phê duyệt. Từ đó giúp chủ đầu tư đưa hàng ra thị trường. Khi ấy, lượng giao dịch mới tăng trở lại, nhân viên môi giới mới có cơ hội việc làm nhiều hơn”, ông Đính bình luận.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.